Thoái hóa khớp gối là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là nữ giới. Tuy nhiên, do nhịp sống bận rộn cùng với lối sống không lành mạnh, ít vận động, chế độ dinh dưỡng không khoa học mà căn bệnh này ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
1. Thoái hóa khớp gối là gì?
Khớp gối là một trong những bộ phận vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự vận động của cơ thể với cấu tạo gồm 3 phần chính: cấu trúc xương, lớp sụn bao bọc đầu xương và hệ thống dây chằng chéo. Khớp gối cũng là bộ phận chịu lực tác động của toàn bộ cơ thể, hoạt động nhiều nhất so với các khớp khác. Do đó, khớp gối rất dễ bị thoái hóa nếu không được chăm sóc đúng cách.

Cấu tạo của khớp đầu gối
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng sụn khớp có sự biến đổi, tổn thương ở bề mặt. Theo thời gian, sụn khớp sẽ bị bào mòn, mất tính đàn hồi, xảy ra tình trạng viêm và không thể bảo vệ được đầu xương. Sau khi sụn khớp bị tổn thương nhiều thì bề mặt khớp sẽ bị biến đổi, tăng lắng đọng canxi hình thành các gai xương. Cuối cùng dẫn đến khớp bị biến dạng gây ra hư khớp, hỏng khớp.
2. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối
Có 2 nguyên nhân chính gây bệnh thoái hóa khớp gối đó là thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp gối thứ phát.
2.1. Thoái hóa khớp nguyên phát
- Do tuổi tác: Sau độ tuổi trưởng thành, các tế bào sụn khớp không còn khả năng sinh sản và tự tái tạo. Do đó, tuổi càng cao thì quá trình tổng hợp của sụn ngày càng bị suy giảm, lâu dần dẫn đến thoái hóa.
- Di truyền: Nhiều người bị thoái hóa khớp gối là do di truyền thì thế hệ trước.
- Nội tiết cơ thể thay đổi: Thời kỳ mãn kinh hoặc người bị mắc bệnh đái tháo đường có thể gây nên các bệnh lý liên quan đến xương khớp.
2.2. Thoái hóa khớp thứ phát
- Giới tính: Theo thống kê, phụ nữ có nguy cơ bị mắc các bệnh liên quan đến xương khớp cao hơn so với nam giới. Nguyên nhân là do dây chằng trước của khớp phụ nữ gối yếu hơn. Ngoài ra đi giày cao gót thời gian dài gây áp lực trực tiếp lên sụn tạo khiến tình trạng thoái hóa diễn ra ngày càng nhanh hơn.

Nữ giới có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn nam giới
- Thừa cân: Cân nặng quá khổ sẽ tạo áp lực lên hai khớp gối khiến sụn khớp gối dễ bị tổn thương, nhanh mài mòn và dễ hư hỏng.
- Chấn thương: Thoái hóa khớp gối có thể xảy ra do chấn thương khi chơi thể thao, lao động,…
- Hệ miễn dịch bị phá hủy: Cơ thể tự sinh ra cơ chế hủy hoại sụn khớp ở khắp nơi trong cơ thể bất kể đó là sụn khỏe hay hư.
- Lười vận động, rèn luyện thể lực: Các cơ đầu gối bị lỏng lẻo, các khớp xương thiếu độ linh hoạt, cấu trúc cơ, xương, gân, dây chằng dễ bị sai lệch nếu không vận động, tập thể dục thường xuyên.
- Vận động quá sức: Tập luyện thể thao cường độ cao, lao động quá sức sẽ dẫn đến tình trạng khớp bị thoái hóa nhanh hơn so với bình thường.

Vận động, tập thể thao quá sức tăng nguy cơ thoái hóa xương khớp
- Sử dụng sai cách thuốc Corticoid: Đây là loại thuốc được sử dụng nhiều trong điều trị chống dị ứng, kháng viêm, ức chế miễn dịch. Nếu lạm dụng Corticoid thì sẽ làm tăng mức độ thoái hóa khớp.
- Chế độ ăn uống không khoa học: Nếu ăn uống không đầy đủ, thiếu chất sẽ khiến túi hoạt dịch tiết ra ít chất nhờn bảo vệ khớp. Ngoài ra, sử dụng chất kích thích như rượu, bia,… sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa xương khớp.
3. Dấu hiệu nhận biết
Thoái hóa khớp gối được nhận biết bởi các dấu hiệu sau:
- Bị đau mặt trước hoặc bên trong khớp gối, cơn đau có thể tăng lên khi vận động hoặc khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng. Các cơn đau sẽ tăng và kéo dài nếu không điều trị thoái hóa khớp gối kịp thời.
- Khớp bị co cứng, khó cử động và mất linh hoạt sau một thời gian ở yên một chỗ lâu.
- Nhiều trường hợp khối gối bị sưng to cũng là dấu hiệu của thoái hóa.
- Chân đi vòng kiềng (chân chữ O) hoặc kiểu chân chữ X.

Sưng khớp có thể là dấu hiệu của thoái hóa khớp đầu gối
4. Cách phòng tránh thoái hóa khớp gối
Thoái hóa xương khớp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của cơ thể mà còn gây ra nhiều khó khăn, bất tiện trong cuộc sống. Do đó, để phòng tránh thoái hóa khớp đầu gối, cần lưu ý một số điều sau:
- Tập luyện thể dục, thể thao đều đặn, đúng cách. Có thể ưu tiên lựa chọn các bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ cường độ vừa phải, bơi lội, đạp xe đạp,… Lưu ý tránh vận động mạnh hoặc tăng cường độ tập luyện lên mức cao đột ngột.
- Thiết lập chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và khoa học với đầy đủ canxi, vitamin và khoáng chất. Hạn chế hoặc không sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn.
- Kiểm soát cân nặng, tránh để bị thừa cân, béo phì. Hãy hạn chế ăn đồ ăn nhanh và đồ ngọt để cân nặng luôn ở mức an toàn.
- Đối với người làm việc văn phòng thì nên thay đổi tư thế ngồi 20 – 30 phút một lần, đi lại vận động để tránh đau nhức, mỏi xương khớp.
- Massage và xoa bóp các khớp mỗi ngày để tăng lưu thông máu.
– Kiểm tra sức khỏe xương khớp định kỳ để sớm phát hiện những bất thường, giúp quá trình điều trị thoái hóa khớp gối được hiệu quả, nhanh chóng và tiết kiệm.
Nếu có nhu cầu khám tổng quát sức khỏe xương khớp, hãy đến HYH Medical Plus – CTCP Bệnh viện Hữu Nghị Quốc Tế Hà Nội để được các bác sĩ thăm khám, kiểm tra và tư vấn, điều trị nhanh chóng, chất lượng với chi phí tốt nhất. Liên hệ ngay đến hotline 034.66.88.996 hoặc tải ứng dụng HYH Medical+ trên CH Play hoặc App Store để đặt lịch khám nhanh chóng và trải nghiệm nhiều tính năng thông minh.